Liên hệ
Hỗ trợ: 0912.347.299

Giỏ hàng trống !
Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam chấm dứt ‘cơn đau tự tử’ bằng kỹ thuật nội soi mới

Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam chấm dứt ‘cơn đau tự tử’ bằng kỹ thuật nội soi mới

  • 13 tháng 09 năm 2022

Thay vì phẫu thuật não bằng vi phẫu hay nội soi hỗ trợ, từ năm 2021, bệnh nhân đau dây thần kinh số V tại Bệnh viện Việt Đức được mổ nội soi hoàn toàn, chỉ 1,5 giờ đồng hồ từ đường rạch đầu tiên, bệnh nhân hết sạch cơn đau, chất lượng sống cải thiện rõ rệt.

LTS: Hai năm qua, toàn ngành Y tế tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Trong thời gian đó, những kỹ thuật cao, sâu, vẫn được các thầy thuốc nghiên cứu, sớm ứng dụng, đem lại hiệu quả cao nhất cho người dân. Báo Sức khỏe & Đời sống xin giới thiệu một số thành tựu tại các cơ sở y tế hàng đầu cả nước qua loạt bài “Nâng tầm y tế Việt Nam giữa muôn trùng gian khó”.

NÂNG TẦM Y TẾ VIỆT NAM GIỮA MUÔN TRÙNG GIAN KHÓ (1)

Căn bệnh quái đản, nói, cười cũng đau, chỉ làn gió nhẹ thổi qua cũng đau tê tái

Đầu những năm 2000, Bệnh viện Việt Đức là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu mổ nội soi não. Nhưng cũng mất tới 10 năm bắt đầu từ những kỹ thuật đơn giản, các bác sĩ ở đây mới dò dẫm triển khai những vấn đề phức tạp hơn. Để rồi đến nay, 2 thập kỷ trôi qua, họ đã làm chủ được hàng loạt kỹ thuật đỉnh cao trong chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam.

Năm 2021, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh Việt Nam – chính thức triển khai phẫu thuật nội soi hoàn toàn cho bệnh nhân đau dây thần kinh số V (đau dây V). Đây là nơi đầu tiên ở nước ta thực hiện phương pháp phẫu thuật tân tiến này dành cho loại bệnh khiến các bác sĩ nước ngoài cũng e ngại.

Ở nước ta, đau nửa mặt do chèn ép dây V là bệnh khá thường gặp, chủ yếu ở tuổi trung niên nhưng Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận có bệnh nhân mới dưới 30 tuổi đã mắc bệnh này. Bệnh chủ yếu do mạch máu chèn ép vào dây thần kinh số V gây ra cơn đau cho bệnh nhân khi cử động bởi lúc này các mạch máu va đập vào nhau.

Người ta gọi cơn đau dây V là “đau tự tử”, nghĩa là đau đến mức muốn chết đi” – PGS. Đồng Văn Hệ mô tả. Không chỉ đau kinh khủng mà đau dây V còn là căn “bệnh quái đản” khi cứ sắp há miệng để ăn, nói, cười, đánh răng, thậm chí gió thổi vào mặt thôi… cũng gây ra cơn đau tê tái.

Có những bệnh nhân không dám ăn, không dám khóc, không dám ngủ, chưa nói chạm vào mặt hay cạo râu, rửa mặt… Dù bệnh thần kinh chức năng này không gây chết người nhưng người bệnh khó lòng “chung sống hòa bình” bởi chất lượng sống bị suy giảm nghiêm trọng.

Do sợ đau, bệnh nhân không dám ăn do khi nhai sợ bị kích động gây cơn đau, do vậy bệnh nhân bị gầy sút đi. “Đến khám chúng tôi, có những bệnh nhân còn mang theo bút, giấy, bác sĩ hỏi gì thì trả lời bằng cách viết ra bởi cơn đau sẽ quay lại khi họ nói” – vị chuyên gia thông tin.

Những cơn đau dây V thường ngắn, kéo dài vài giây, nhưng có thể các cơn đau xuất hiện liên tiếp với nhau làm cho cơn đau kéo dài trong một đến hai phút. Có những bệnh nhân chịu đựng 20 năm trời, tới hơn 80 tuổi vẫn đau…

Bước tiến dài trong điều trị đau dây V

Để điều trị đau dây V, các thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân bắt đầu bằng thuốc để giảm tác động của mạch máu giúp giảm đau. Khi điều trị bằng thuốc không đáp ứng, bệnh nhân được cân nhắc việc can thiệp.

Ngoài việc dùng thuốc, trước năm 2000, các bác sĩ đã can thiệp bằng cách bơm huyết thanh đun sôi vào hạch dây thần kinh số V để diệt hạch. Phương pháp này chỉ có thể chữa triệu chứng, tỷ lệ thành công không cao. Bệnh thường tái phát trong 80% trường hợp và đa số là tái phát nhiều lần. Ngoài ra, phương pháp này có nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân có thể bị biến chứng tê mặt, khô mắt, không khóc được nữa.

Bên cạnh đó, một số nơi dùng phương pháp tiêm botox làm tê bì vùng đau tuy nhiên chỉ có tác dụng dưới 6 tháng, mỗi mũi tiêm có giá mấy triệu đồng, rất tốn kém và có tác dụng phụ.

Từ năm 2001, Bệnh viện Việt Đức bắt đầu kỹ thuật vi phẫu (nghĩa là phẫu thuật dưới kính hiển vi) giải phóng dây thần kinh số V ra khỏi mạch máu chèn ép rồi chuyển giao kỹ thuật cho hàng loạt cơ sở khác. Từ năm 2012-2013, bệnh viện hạng Đặc biệt chuyên về ngoại khoa này tiến lên một bước mới khi dùng phương pháp nội soi hỗ trợ. Và tới tháng 4/2021, bệnh nhân đau dây thần kinh số V đầu tiên được mổ nội soi hoàn toàn, không dùng tới kính hiển vi hỗ trợ.

Ca bệnh đầu tiên là người đàn ông U60 ở Hà Nội, đã mắc chứng bệnh đau dây V hơn 11 năm trời. Ông sợ việc mổ xẻ tới mức chấp nhận tăng dần rồi kịch trần liều thuốc (từ 2 viên lên 8 viên/ngày) bởi nghĩ việc phẫu thuật sẽ bị tai biến, tổn thương… Tới tháng 4/2021, không thể chịu được nữa, ông quyết định phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ, bệnh nhân bình phục hoàn toàn, cười nói bình thường.

10 bệnh nhân đau dây thần kinh V đã được phẫu thuật nội soi hoàn toàn tại Bệnh viện Việt Đức trong 8 tháng qua đều có nhiều năm đau đớn vì chứng bệnh này. Sau mổ, họ không mất thời gian nằm viện nhiều, tái khám sau 1 tháng rồi 6 tháng. Đáng nói, không có ca nào có biến chứng dù nhẹ.

Ưu điểm vượt trội

Nếu trước đây, với phương pháp vi phẫu, độ rủi ro trong và sau ca mổ cao hơn một phần do đường rạch mở rộng hơn; mất máu nhiều hơn, thời gian mổ lâu hơn. Nguy hiểm nhất là trong quá trình mổ, bác sĩ phải tì đè vào tổ chức não, có thể làm dập não gây chảy máu, tổn thương dây thần kinh hay chức năng khác. Thực tế, trong lịch sử đã có những bệnh nhân sau mổ bị chóng mặt, đi lại loạng choạng, điếc hay ù tai, bị liệt thậm chí tử vong.

Xác suất chung bị tác dụng phụ, tai biến sau phẫu thuật đau dây thần kinh V bằng các phương pháp cũ từ nhẹ đến nặng khoảng 10%, trong đó tai biến nặng chiếm phần rất thấp (dưới 1%). Với phương pháp mới, nỗi lo tai biến gần như được xóa tan.

Chỉ với đường rạch nhỏ khoảng 2cm sau mang tai khiến bệnh nhân ít đau, không phải cạo tóc, thầy thuốc sẽ đưa ống nội soi với đầu camera full HD có độ phóng đại và sắc nét, chi tiết đủ để các bác sĩ nhìn tường tận từng mạch máu nhỏ nhất, dây thần kinh, tiểu não…

Quan trọng nữa là kỹ thuật viên sẽ không phải tì đè vào tổ chức não (như vi phẫu), không gây tổn thương các cấu trúc lành xung quanh (như mạch máu, tĩnh mạch, động mạch, nhu mô não, dây thần kinh…). Với phương pháp này, những tai biến như bị liệt, tê bì, khó nói, rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng, nhiễm trùng, chảy máu, méo miệng… sẽ được giảm tối đa.

Kỹ thuật cao, tân tiến này cũng giúp người bệnh sau mổ rất nhanh hồi phục. Tuy nhiên, để triển khai kỹ thuật mới, ngoài thiết bị dụng cụ tối tân, trình độ, kinh nghiệm của thầy thuốc cũng là yếu tố rất quan trọng.

Bình luận

Contact Me on Zalo
0912.347.299